XỬ LÝ NƯỚC THẢI SINH HOẠT BẰNG CÔNG NGHỆ SWIM-BED

Nước thải sinh hoạt là nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Các công nghệ xử lý nước thải truyền thống có các nhược điểm như tốn diện tích, giá thành xây dựng và vận hành cao, khả năng xử lý các loại chất dinh dưỡng (Nitơ, phốt pho) thấp, tải lượng ô nhiễm thấp và lượng bùn thải tạo ra lớn… Để hạn chế các nhược điểm như trên, nhiều công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt mới được nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng.

Công nghệ Swim-bed là một công nghệ xử lý mới đang được nghiên cứu và ứng dụng trong những năm gần đây trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản. Công nghệ này là sự kết hợp -các điều kiện thuận lợi của quá trình bùn hoạt tính truyền thống và bể lọc sinh học. Sử dụng giá thể sinh học là Biofringe (BF), giá thể được thiết kế có bề mặt hiệu dụng lớn để lớp màng biofilm dính bám trên bề mặt của giá thể, tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động của vi sinh vật khi những giá thể này lơ lửng trong nước và tiếp xúc với chất dinh dưỡng, từ đó giúp chuyển hóa các chất ô nhiễm có trong nước thải. Giá thể BF được làm từ sợi acrylic thấm nước tốt, diện tích bề mặt lớn. Các sợi này được dệt thành các sợi nhỏ, sau đó kết lại theo dạng xương cá làm tăng khả năng co giãn và chịu lực.

Cấu trúc xương cá của BF chia làm 2 loại: Sợi dọc (Warp thread) được làm bằng các sợi Polyester; sợi ngang (Weft thread) làm bằng acrylic rất ưa nước do đó bùn có thể dễ dàng và nhanh chóng được dính bám vào Chủng loại vi sinh vật trong lớp màng biofilm tương tự như đối với hệ thống xử lý bùn hoạt tính lơ lửng. Phân tích theo chủng loại vi sinh vật, lớp màng này còn có thể chia thành hai lớp: Lớp màng kỵ khí ở bên trong và lớp màng hiếu khí ở bên ngoài. Sự hình thành 2 lớp màng này là do chiều sâu của lớp màng lớn hơn nhiều so với đường kính của khối vi sinh vật, oxy hoà tan trong nước chỉ khuếch tán vào gần bề mặt màng và làm cho lớp màng phía ngoài trở thành hiếu khí, còn lớp màng bên trong không tiếp xúc được với oxy trở thành lớp màng kỵ khí.