‘Biến’ bãi chôn lấp rác thành khu đô thị sinh thái

TP.HCM hiện có 5 bãi rác chôn lấp đã đóng cửa và đang có chủ trương mời gọi doanh nghiệp xử lý để dùng quỹ đất đó phát triển kinh tế, xã hội, biến những ‘điểm nóng’ ô nhiễm thành khu đô thị sinh thái.
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân trong một lần thị sát tình hình xử lý rác ở bãi rác Gò Cát /// Ảnh: Ngọc Dương
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân trong một lần thị sát tình hình xử lý rác ở bãi rác Gò Cát
 
     Hôm qua 10.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có buổi nghe doanh nghiệp (DN) đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị.
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết trong 5 bãi rác chôn lấp đã đóng cửa theo quy định, có 2 bãi rác diện tích lớn là Gò Cát (Q.Bình Tân) 25 ha và Đông Thạnh (H.Hóc Môn) 40 ha; thời gian chôn lấp của 2 bãi này đã hơn 10 năm. Trong đó, bãi Gò Cát sau khi đạt công suất thiết kế chôn lấp 5,3 triệu tấn rác được đóng cửa từ năm 2006 – 2007. Theo ông Thắng, trước khi khai thác quỹ đất ở các bãi rác đã đóng cửa, yêu cầu phải xử lý hết toàn bộ lượng rác đã chôn lấp, san lấp lại bằng đất sạch đảm bảo môi trường.
 

Xử lý lại toàn bộ rác chôn lấp

Từng khảo sát bãi rác Gò Cát, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty Ecoland), cho hay bãi Gò Cát tương tự bãi rác Soi Nam rộng 6,7 ha ở TP. Hải Dương (chôn lấp gần 1,3 triệu tấn rác và đóng cửa năm 2011) mà công ty này đã xử lý. Theo đó, sau khi đào xới hết lượng rác chôn lấp ở Soi Nam lên, Công ty Ecoland tiến hành phun vi sinh, xử lý mùi và ô nhiễm, qua nhiều bước để xử lý, phân loại gạch đá, sắt thép được chôn lấp để tái sử dụng. Thậm chí phần ni lông trong rác được phân loại đưa vào dây chuyền sản xuất hạt nhựa để tái sử dụng. Phần rác đốt được tiêu hủy theo công nghệ Nhật Bản ở nhiệt độ trên 1.000oC. Tro xỉ sau đốt (khoảng 10% so với lượng rác đốt) sẽ được đem đi đóng gạch xây dựng những công trình ngầm. Việc xử lý rác đều được Bộ TN-MT giám sát và công nhận đạt các tiêu chí không khí, nguồn nước thải theo quy định.
“Biến” bãi chôn lấp rác thành khu đô thị sinh thái1
Khu vực chôn lấp trong bãi rác Gò Cát sẽ hình thành khu đô thị sinh thái?
 
       Trở lại với phương án xử lý ở bãi rác Gò Cát, ông Hồng cho hay đã cùng với nhân viên đi khảo sát và thấy khu vực này rất ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu TP.HCM tạo cho cơ chế và nguồn lực, ông Hồng cam kết sẽ xử lý hết rác ô nhiễm ở Gò Cát theo công nghệ đã áp dụng ở bãi Soi Nam; đồng thời tính toán triển khai xây dựng tại đây một khu đô thị. Trước tiên, công ty sẽ giúp TP khảo sát, lập thiết kế, tính toán quy trình, công nghệ xử lý rác. Sau đó TP cho phép công ty nghiên cứu lập quy hoạch 1/500 phát triển một khu đô thị ở khu vực này. “Chúng tôi muốn làm đô thị luôn ở đây, bởi lý do để tạo nên nguồn lực phát triển và tạo ra một mô hình đô thị sinh thái theo mô hình Ecopark mới đủ sức hấp dẫn”, ông Hồng nói và cho rằng: “Nếu quỹ đất của bãi rác Gò Cát sau khi xử lý làm công viên cây xanh thì ngân sách nhà nước cũng tốn nhiều chi phí. Nhưng nếu quỹ đất đó để phát triển đô thị sinh thái sẽ tạo ra nguồn thu và nhà nước không tốn tiền để xử lý rác đã chôn lấp trước đó”.
 
Theo báo Thanh niên