Chỉ 13% lượng nước thải đô thị được xử lý

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Sông Tô Lịch vẫn là nơi chứa nước thải sinh hoạt của TP.Hà Nội. Đã có nhiều dự án làm sạch, hồi sinh dòng sông này nhưng đến nay, tình hình ô nhiễm chưa được cải thiện /// Ảnh Trần Cường

Sông Tô Lịch vẫn là nơi chứa nước thải sinh hoạt của TP.Hà Nội. Đã có nhiều dự án làm sạch, hồi sinh dòng sông này nhưng đến nay, tình hình ô nhiễm chưa được cải thiện

Cụ thể, Bộ Xây dựng dẫn thông tin thống kê của UBND TP.Hà Nội cho biết, hiện thành phố này có khoảng hơn 5.700 km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính…
 
Trong khi đó, Hà Nội có 6 nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
 
TP.Hà Nội cũng cho biết, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra.
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
 
Tại TP.HCM, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1,579 triệu m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm, gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương – Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm).
 
Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại – dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là hơn 370.000 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%).
 
Hiện, TP.HCM tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Dự báo, đến cuối năm 2020, nếu hoàn thành 3 nhà máy, thì 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lý.
 
Báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định, những dữ liệu của 2 thành phố lớn nhất cả nước nêu trên đã phần nào chỉ ra thực trạng xử lý nước thải đô thị ở nước ta.
 
Theo báo Thanh niên